Trang chủ - Xoc dia online xocdia123

 

LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Trấn Yên là một huyện miền núi, nằm ở vùng thấp của tỉnh Yên Bái. Từ ngàn đời nay cộng đồng các dân tộc trên quê hương Trấn Yên, đã bảo tồn, phát huy giá trị  và phát triển nền văn hóa phong phú đa sắc tộc. Theo suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhân dân Trấn Yên luôn phát huy những truyền thống tốt đẹp: cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng. Ngay từ buổi đầu dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân đã đoàn kết và anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương của thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích, tiếp theo là cuộc đấu tranh trong phong trào Giáp Dần nổi tiếng năm 1914, Khởi nghĩa Yên Bái của Quốc dân Đảng và các phong trào khởi nghĩa yêu nước khác. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo, truyền thống đó càng được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, góp phần viết nên những trang sử đầy tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ huyện Trấn Yên đã và đang quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng để lãnh đạo và động viên nhân dân tiếp tục phát huy cao nhất truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của mình vào sự nghiệp: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Là miền đất có bề dày văn hóa, trong huyện có 16 dân tộc anh em đã sinh sống nhiều đời, nhiều thế kỷ sát cánh bên nhau, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quê hương, đất nước. Dân số trung bình năm 2020 là 85.668 người. Mật độ dân số 136 người/km2, tỷ lệ tăng dân số 1,17%/năm.

1. Về thành phần dân tộc.

 Người Kinh: Năm 2020, có 51.743 người chiếm 60,4%, sinh sống chủ yếu ở các xã vùng ngoài và các xã phía Nam của huyện. Vùng hai bên bờ sông Hồng đã được người Kinh khai khẩn từ lâu đời, lập nên làng xóm đông đúc trù phú như vùng trung du Bắc bộ. Người Kinh ở Trấn Yên sinh cơ lập nghiệp vào các thời kỳ: Thời kỳ đầu di thực từ Phú Thọ, Việt Trì theo sông Hồng đến khai phá những vùng đất phù sa ven sông và cửa các con ngòi lớn, sau đó trở thành người bản địa đã sinh sống nhiều đời trên mảnh đất này. Tiếp đó là các đợt di thực vào thời kỳ thuộc Pháp, họ gồm phu kíp xây dựng đường sắt Yên Bái - Lào Cai, nông dân được mộ lên làm trong các đồn điền, một số bị thực dân mộ đi khai thác hầm mỏ, làm các công trình quân sự, số khác đi khai thác lâm thổ sản... chủ yếu là người ở các tỉnh đồng bằng như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây. Người Nam Định, Thái Bình, Hà Nam đến sinh sống tại các vùng Bách Lẫm, Yên Lương, Bình Trà, Bình Phượng, Phú Thọ, Dao Viễn, Lan Đình, Đại An, Yên Thái, Kiên Lao, Phú Nhuận, Trái Hút và dọc đường sắt Yên Bái - Lào Cai. Năm 1932 người Kinh ở Trấn Yên có 9.541/20.071 người dân số toàn huyện.

Những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước có chủ trương điều chỉnh dân cư ở những vùng đồng bằng đông dân, đến miền núi dân cư thưa thớt lập nghiệp trong cuộc vận động đi xây dựng kinh tế văn hóa miền núi. Năm 1962, huyện đón nhận nhân dân của các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội lên lập nghiệp. Các năm 1973, 1974 lại tiếp tục nhận thêm 10.000 dân từ tỉnh Hà Nam Ninh lên xây dựng vùng kinh tế mới. Họ được định cư ở các xã Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Hồng Ca, Lương Thịnh, Việt Thành, Đào Thịnh, Hòa Cuông, Quy Mông, Bảo Hưng. Bên cạnh đó, còn có một lượng lớn cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân các lâm trường, xí nghiệp sau khi hoàn thành nhiệm vụ cũng ở lại định cư tại huyện. Buổi đầu định cư đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới thành lập hợp tác xã, huyện và các xã giao đất, giao rừng để họ canh tác với việc thâm canh lúa là chủ yếu. Có hợp tác xã chuyên canh cây chè đạt hiệu quả kinh tế cao. Người Kinh từ miền xuôi lên định cư ở Trấn Yên mang theo những đặc điểm về văn hóa làng xã, dòng họ như các tỉnh miền xuôi, có nơi mang theo cả nghề truyền thống và xây dựng những làng nghề tại quê hương mới.

Cuộc vận động chuyển dân để xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà, cũng chuyển một lượng đáng kể người Kinh từ thung lũng sông Chảy sang định cư ở Quy Mông, Tân Đồng, Vân Hội. Đây là những gia đình đã di thực từ miền xuôi lên định cư tại huyện Yên Bình, nay được chuyển đến định cư tại Trấn Yên.

 Người TàyNăm 2020 có 5.025 hộ 17.142 khẩu, chiếm 22,01% dân số, sống chủ yếu ở các xã vùng sâu có các bồn địa và ven suối lớn. Họ sống tập trung thành bản, ở nhà sàn, thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là bộ phận đã định cư lâu đời ở các xã Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh, Việt Hồng, Vân Hội, Việt Cường, Kiên Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp, Tân Đồng. Nhà sàn của người Tày rất rộng, thường thì ba bốn hế hệ cùng sinh sống trong một ngôi nhà. Người Tày đoàn kết thân ái với người Kinh và các sắc tộc khác. Trong quá trình sinh sống luôn giữ gìn môi trường sinh thái. Người Tày ở Hưng Khánh, Hồng Ca, Lương Thịnh là chủ nhân của các làn điệu then với đàn tính rộn ràng trong các ngày lễ tết.

Người Tày ở Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh đã chuyển sang xây dựng nhà đất để tiện sinh hoạt và giảm việc chặt gỗ làm nhà sàn với khối lượng lớn. Người Tày vùng Việt Hồng, Vân Hội có truyền thuyết và truyện cổ tích kể về Nàng Nả chung thủy với người mình yêu là anh nghè họ Phạm.

 Người Dao: Theo điều tra và phân loại, người Dao thuộc nhiều nhánh như Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Đại Bản...Người Dao trong huyện định cư sau người Tày, họ có tập quán sống ở các sườn núi cao từ 300 - 400 m so với mặt biển. Năm 2020 có 1.684 hộ 7.779 khẩu, chiếm 9,08% dân số .

Trước những năm 1970, người Dao sống chủ yếu trên vùng núi, ở các ngọn suối, canh tác cơ bản là phát rừng làm nương, rẫy. Trong cuộc vận động xây dựng hợp tác xã, huyện đã kiên trì vận động và tổ chức các điều kiện hạ sơn để người Dao xuống núi làm ruộng nước. Những khu khai hoang vận động hạ sơn điển hình là khu Bát Lụa, Vực Tròn (Lương Thịnh), Minh An (Y Can). Đến giữa những năm 1970 người Dao đã hạ sơn, định canh định cư xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở các xã Việt Cường, Lương Thịnh, Y Can, Kiên Thành, Tân Đồng.

Người Dao có tập quán trồng bông dệt vải, nhuộm chàm, họ có những điệu nhảy trong lễ lập tĩnh, cấp sắc và những ngày hội cầu mùa. Hiện nay, tập quán kéo sợi dệt vải không còn, nhưng thay vào đó là một truyền thống mới là trồng quế làm của hồi môn cho con khi xây dựng gia đình. Thời kỳ thuộc Pháp vào năm 1932, đã có một cuộc khảo sát về người Dao (người Mán), theo kết quả khảo sát người Dao sống chủ yếu ở thượng nguồn sông Hồng từ Bảo Hà, Trái Hút tới các xã phía Tây nam của huyện Trấn Yên với nhiều ngành khác nhau.

Người Mường: Năm 2020 có 881 hộ 2.896 khẩu, chiếm 3,38% dân số. Người Mường có nguồn gốc từ tỉnh Hòa Bình di cư lên huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), sau đó đã di thực theo sông Hồng lên cư trú tại xã Quy Mông cách đây khoảng 150 năm. Họ sống thành cộng đồng trong làng Mường. Sản xuất chủ yếu là trồng cấy lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Về trình độ canh tác và tập quán trong sinh hoạt cộng đồng có những nét tương đồng với người Kinh. Người Mường ở Quy Mông ăn tết Nguyên đán. Hiện nay vẫn còn giữ được một số nét đặc biệt về văn hóa truyền thống, như dựng cây đu đầu xuân, trồng cây nêu vào ngày tết. Điệu múa ‘mỡi’ rộn ràng, sôi động thường sử dụng vào các lễ hội cầu mùa.

 Người Mông: Trong những năm đầu miền Bắc mới được giải phóng, huyện Trấn Yên cơ bản không có người Mông. Theo điều tra năm 1932 của thực dân Pháp, toàn huyện chỉ có 77 người Mông sống rải rác ở các xã vùng cao miền thượng huyện. Từ những năm tám mươi của thế kỷ XX, người Mông du cư từ Trạm Tấu, Văn Chấn đến ở các xã giáp ranh của huyện, sau đó họ về ở tập trung ở Hồng Lâu (Hồng Ca), Đồng Ruộng (Kiên Thành).

Đến năm 2020, toàn huyện có 2.356 người chiếm 2,75.%, sống ở 05 thôn, đó là Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Tiến, Khe Ron của Hồng Ca và Đồng Ruộng của Kiên Thành. Người Mông hiện đã sống định canh, định cư trồng cấy lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm không trồng thuốc phiện. Khèn bè và sáo Mông là 2 nhạc cụ độc đáo thường được sử dụng vào các lễ hội. Kèn lá được thanh niên nam nữ sử dụng để gọi bạn tình và trao duyên.

 Người Cao Lan: Năm 2020 có 325 hộ, 1.182 nhân khẩu chiếm 1,38% dân số, sống chủ yếu ở các xã phía đông của huyện như Minh Quán, Hòa Cuông, Tân Đồng, đồng bào người Cao Lan định cư trồng lúa nước làm nương rẫy chăn nuôi phát triển kinh tế, người Cao Lan có các điệu múa pănglóng, xúc tép, chim gâu rất duyên dáng và giàu hình tượng. Họ có nhiều cố gắng xóa bỏ những tập tục lạc hậu, như phá rừng, du canh du cư, mê tín dị đoan để đoàn kết cùng các dân tộc xây dựng quê hương .

Ngoài 6 dân tộc chính đã nêu, trên địa bàn huyện còn có các dân tộc khác cùng sinh sống là Thái, Nùng, Hoa… chiếm 0,28% dân số toàn huyện.

2. Các di sản văn hóa.

Đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc huyện Trấn Yên rất phong phú, chủ yếu là văn hóa phi vật thể bao gồm văn hóa tinh thần của người Kinh, với những tinh hoa văn hóa đồng bằng và trung du Bắc Bộ, văn hóa tinh thần giàu bản sắc của đồng bào Tày, Dao, Mường, Cao Lan, Mông. Đặc biệt, đây là vùng giao thoa văn hóa giữa vùng miền núi Đông bắc với vùng miền núi Tây bắc, giữa miền xuôi với miền ngược, đã tạo nên vườn hoa văn hóa phong phú sắc màu.

Văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Trấn Yên, được hình thành từ lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước, phản ánh quá trình chế ngự thiên nhiên và mối quan hệ giữa con người với con người trong đời sống xã hội. Là một bộ phận của nền văn hóa Sông Hồng, yếu tố cơ bản của nền văn minh lúa nước.

Những di sản văn hóa chính:

* Các cổ vật đồ đồng:

Thạp đồng Đào Thịnh được ông Phạm Văn Phúc phát hiện ở thôn Đồng Gianh xã Đào Thịnh vào ngày 14/9/1961. Xã Đào Thịnh nằm bên phía tả ngạn sông Hồng cách thị xã Yên Bái 20km về phía Bắc. Chiếc thạp tìm thấy trong khối đất lở do nước sông xói mòn nằm cách mặt nước chừng 2m. Đây là một hiện vật cổ, tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Nếu kể cả lớp đất trồng trọt phủ ở trên, chiếc thạp nằm ở độ sâu 5m. Thạp đồng Đào Thịnh có chiều cao 0,98m, đường kính đáy 0,6m, đường kính miệng 0,61m, đường kính thân nơi phình to nhất là 0,7m; được biết đến là chiếc thạp nặng nhất từ trước đến nay và nặng khoảng 76kg. Đây là chiếc thạp lớn nhất Việt Nam trong số những chiếc đã tìm thấy. Xung quanh thạp và trên nắp thạp đều trang trí các loại hoa văn, bao gồm hoa văn kỷ hà, hoa văn bện thừng, các đường hoa văn gạch chấm mô tả các sinh hoạt xã hội và sinh vật. Ngày 01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1426-QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 1, trong đó có thạp đồng Đào Thịnh là bảo vật quốc gia số 3, trong 30 bảo vật được công nhận.

Trống đồng Đào Thịnh được ông Doãn Văn Thực phát hiện ngày 24/9/1962, Trống đồng Đào Thịnh chỉ còn phần mặt và phần thân. Đường kính mặt trống đo được 49cm, phần thân còn lại cao 30cm. Toàn thân trống bị phủ một lớp gỉ đồng khiến hoa văn bị mờ nhạt. Mặt trống đồng không chờm khỏi tang, chính giữa là ngôi sao nổi 12 cánh, xen giữa các cánh sao là hình tam giác lồng nhau. Từ trong ra ngoài mặt trống có 4 vành hoa văn, thân trống đồng cũng được trang trí bằng hoa văn vạch song song, hoa văn răng cưa khá đơn giản.

Thạp đồng Hợp Minh được tìm thấy ngày 04/6/1995, tại đồi Chọi phía hữu ngạn sông Hồng gần đầu cầu Yên Bái, trong một buổi dân quân Hợp Minh luyện tập đào công sự. Thạp Hợp Minh nhỏ hơn thạp đồng Đào Thịnh, cao 47,4cm, đường kính miệng 33,6cm, đường kính đáy 34,9cm, nặng 13,5kg. Thân trên của thạp hơi phình, phía dưới hơi thót, chân đế thẳng, dáng cân đối, có hai quai hình chữ u ngược. Trong lòng thạp có một số hiện vật như: đĩa đồng 3 chân, rìu đồng, dao găm đồng, quả nhạc đồng, khuyên tai 4 mấu, 3 mảnh gốm miết láng đen. Đặc biệt, là tìm thấy dấu vết của sợi dệt, nan đan; điều đáng chú ý là lần đầu tiên đã thấy một di cốt người còn nguyên vẹn chôn trong thạp. Di cốt này được giám định là một em bé gái khoảng từ 4 - 5 tuổi. Những mô típ văn hóa trên thân thạp Hợp Minh cũng rất tiêu biểu. Trên nắp thạp có 4 tượng dạng "chim vịt" gần rìa nắp, có 4 vòng hoa văn chính. Trên cùng là một đàn chim 21 con đang bay, dưới cùng là một dàn động vật hình hươu gồm 16 con. Hai vòng trung tâm, một vòng mô tả cảnh lễ hội cầu mùa trên cạn, một vòng tả cảnh lễ hội trên sông với 4 chiếc thuyền nối nhau, trên thuyền có người hóa trang lông chim, dưới nước có cá, trên không có chim. Đây là những cảnh trang trí rất hài hòa, sinh động ít thấy trên các thạp đồng khác ở Việt Nam. Đồi Chọi nơi tìm thấy thạp đồng Hợp Minh, có độ cao khoảng 80m so với mặt biển, nằm trong dãy đồi chạy sát bờ sông Hồng. Thạp được tìm thấy trên đỉnh đồi, chiều sâu 0,5m, còn nguyên vẹn.

Cùng với trống đồng, thạp đồng Đào Thịnh, Hợp Minh trên địa bàn huyện còn tìm thấy nhiều hiện vật của thời kỳ đồ đá, đồ đồng như: bình lọ, tượng cóc, quả cân, giáo, dao găm, lưỡi qua và các đồ trang sức bằng đá, cùng nhiều đồ vật khác. Ngoài ra, còn phát hiện được ở Quy Mông, Báo Đáp, Yên Hưng, Yên Hợp nhiều rìu đồng, giáo đồng, các rìu lưỡi xẻo, rìu xòe chân, nhiều đồ gốm thuộc giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu.

Các di chỉ khảo cổ đã tìm thấy với nhiều công cụ, hiện vật của thời đại Hùng Vương, chứng tỏ vùng đất Trấn Yên ngay từ thời tiền sử con người ở đây đã biết rời hang động đến cư trú ở vùng đồi gò và bờ bãi ven sông Hồng. Họ khai thác đất đai ven sông, các vùng đất trũng cạnh đầm, hồ, gò đồi để canh tác theo lối ‘đao canh thủy nậu’ hoặc ‘đao canh hỏa chùng’. Họ đã dùng rìu đá, rìu đồng để chặt cây, cuốc đất. Khi kỹ thuật luyện kim phát triển, xuất hiện thêm lưỡi cày, lưỡi cuốc trong sản xuất. Cây lúa là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu của cư dân Trấn Yên trong thời đại Hùng Vương. Nhiều hoa văn trang trí trên trống đồng, thạp đồng có hình tượng bông lúa, hình ảnh săn bắn và hái lượm. Như vậy có nhiều khả năng dân cư Trấn Yên đã biết chăn nuôi, đánh cá và trồng trọt một số cây ăn quả, cây lấy sợi từ rất sớm. Nghề đúc đồng đã phát triển, hoa văn trên thạp đồng Đào Thịnh chứng tỏ người thợ thủ công có tay nghề cao. Để có được những thạp đồng với hoa văn trang trí tinh xảo người thợ thủ công phải dựng lên nhiều lò nấu đồng, tạo ra nhiều khuôn đúc bằng đất phức tạp. Cùng với đúc đồng, nghề gốm cũng phát triển, nhiều dụng cụ gia đình và đồ trang sức được chế tạo ra từ các nguyên liệu có sẵn ở địa phương.

Qua những di vật tìm thấy, cho biết trình độ nghệ thuật của cư dân Trấn Yên thời Hùng Vương đã khá cao, không chỉ là nghệ thuật điêu khắc, chế tác mà còn là giá trị nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần như ca múa, hội hè. Những bức tượng người trên nắp thạp đồng Đào Thịnh của các nghệ nhân thời đại Hùng Vương, vừa thể hiện những khát vọng của con người về cuộc sống phồn thực, vừa để lại những chuẩn mực về chủ nghĩa hiện thực ngay từ buổi sơ khai của lịch sử.

Từ những di vật tìm thấy ở các di chỉ trong huyện, cho chúng ta nhận biết về một chặng đường dài trong lịch sử dựng nước của cộng đồng các dân tộc huyện Trấn Yên, từ cuối thời kỳ đồ đá mới đến thời đại kim khí, điều đó khẳng định Trấn Yên là mảnh đất quan trọng của quốc gia Văn Lang thời đại các vua Hùng.

* Tín ngưỡng tôn giáo:

Nhìn chung tín ngưỡng của cư dân Trấn Yên là thờ cúng tổ tiên, thờ mẫu, thờ thần và những người có công. Mỗi tộc người có cách thể hiện khác nhau nhưng đều có điểm chung là hậu thế luôn hoài vọng, nhớ về cội nguồn, về các thế hệ đã sinh thành, dưỡng dục, về chính quê hương bản quán của mình.

Hai tôn giáo có vị trí đáng kể trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân là đạo Phật và đạo Công giáo.

Đạo Phật vào Trấn Yên từ thời Trần và phát triển trong thời Lê, thời Nguyễn. Đến kháng chiến chống Pháp, hầu hết đình chùa bị tàn phá, nhiều nơi đình đền đã thành phế tích, số được khôi phục lại không đáng kể. Chùa ở Trấn Yên hầu hết là nhỏ, làm theo kiểu nhà thông thường, phân biệt các cung thờ bằng ban bệ xây gạch hoặc làm bằng gỗ. Chùa thờ Phật theo Phật giáo Đại Thừa, ý nghĩa như một cỗ xe lớn có thể chở được nhiều chúng sinh tới cõi Niết Bàn. Đại thừa chủ trương tự giác (giác ngộ cho bản thân) và giác tha (giác ngộ cho người khác).

Từ cuối thế kỷ XVIII, việc mở rộng truyền đạo lên vùng Tây bắc của các giáo sỹ phương Tây được thực hiện cùng với việc đặt ách thống trị của quân đội viễn chinh Pháp, vì thế đối với người Trấn Yên đạo Công giáo mới được du nhập vào khoảng 1 thế kỷ. Những nhà thờ được xây dựng sớm từ năm 1898 đến 1930 là các nhà thờ Yên Bái, làng Sặt, Bảo Long, Nụ Điền, Âu Lâu, Nga Quán, Cổ Phúc, Đào Thịnh, Nhoi...Những nhà thờ này đều làm bằng tre nứa lá, sau đó một số nhà thờ được xây dựng bằng gạch ngói như nhà thờ Yên Bái, nhà thờ Nga Quán. Giáo dân chủ yếu là người các tỉnh dưới xuôi có đạo được mộ lên Yên Bái khai khẩn, làm phu và tá điền trong các đồn điền.

Năm 2000, toàn huyện có 10 nhà thờ rải rác trong 8 xã với 6.154 giáo dân. Cuộc vận động chuyển dân để xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà (1965), Trấn Yên nhận thêm một bộ phận giáo dân từ huyện Yên Bình chuyển sang, một số nhà thờ họ được xây dựng như nhà thờ Quy Mông. Nhà thờ Nhân Nghĩa (Báo Đáp) được xây dựng lớn trở thành nhà thờ xứ và có linh mục quản nhiệm. Đọc kinh, cầu nguyện, đi nhà thờ là một nhu cầu thuộc về đời sống tâm linh của đồng bào theo đạo Công giáo. Hiện nay, các họ đạo đều tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Mỗi gia đình, mỗi người theo đạo đều sống theo mục tiêu “Tốt đời đẹp đạo”, họ đoàn kết gắn bó với người ngoài đạo để cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đình, đền trong tín ngưỡng dân gian ở Trấn Yên, không chỉ có ý nghĩa thờ những người có công khai sáng xây dựng nên làng bản, trang xã, thờ thần và những nơi con người coi là thâm nghiêm linh ứng. Đình ở Trấn Yên cũng đã từng là nơi dạy bình dân học vụ, diệt giặc dốt, đã từng là nơi họp chi bộ, nơi kết nạp đảng viên mới, nơi khai hội của Việt Minh...Tại đình làng Vần (xã Việt Hồng) đã diễn ra cuộc tế cờ xuất quân của lực lượng vũ trang chiến khu Vần đi giành chính quyền ở Hạ Hòa (Phú Thọ) ở Văn Chấn, Than Uyên, Phù Yên, Văn Bàn. Tại đình Xuân Lan cuối năm 1948, đồng chí Vũ Tuân - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái giao nhiệm vụ cho tổ cán bộ của đồng chí Hoàng Kim Bảo vào chiến đấu trong hậu địch ở Than Uyên.

Đối với nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên từ xa xưa, đình, đền, chùa, nhà thờ là không gian, là cơ sở hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo của đời sống văn hóa tâm linh biểu hiện những giá trị thiêng liêng của cuộc sống đời thường và biểu hiện niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Trong đời sống văn hóa tinh thần có những tín đồ suốt đời mang nặng niềm tin về Chúa, về Phật. Có những người không theo một tôn giáo chính thống nào nhưng vẫn đến chùa lễ Phật để cầu bình yên hoặc đến nhà thờ Thiên Chúa để xem hành lễ như những sinh hoạt văn hóa bình thường.

Người Mường có tục thờ Phật (ông Bụt); người Tày cổ thờ vật linh giáo (cây cổ thụ, hòn đá lớn) thờ thổ công, thổ điạ và các vị thánh trong vùng. Người Dao có nhiều tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, có tục thờ cúng gia tiên, Bàn Vương, cấp sắc... ngay tại giữa nhà. Người Mông tổ chức “lống sáng” ở một khu rừng để thờ thần sơn lâm.

Sau các cuộc chiến tranh kéo dài, đình và đền bị tàn phá do bom đạn của chiến tranh, nhiều thiết chế tôn giáo - tín ngưỡng, bị mai một vì thời gian, nhiều nơi chưa có điều kiện khôi phục và trùng tu, một số nơi nhân dân đã tự đóng góp tiền của xin phép chính quyền sửa chữa lại những ngôi đình, ngôi đền đổ nát, hiện nay một số chỉ còn là phế tích, số khác đã bị hủy hoại hoàn toàn chỉ còn tồn tại trong ký ức của nhân dân.

Đến nay, hệ thống các cơ sở tôn giáo gồm đình, đền, chùa và nhà thờ trong toàn huyện có: 11 đình - đền, trong đó có 01 đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia là Đình Chung (xã Việt Hồng) và 10 đình, đền được xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm: đình Làng Dọc (xã Việt Hồng), đình Hòa Quân (xã Minh Quân), đình đền Quy Mông (xã Quy Mông), đình Yên Lương (xã Y Can), đình Kỳ Can (xã Y Can), đình Làng Xây (xã Báo Đáp) và đền Minh Phú (xã Vân Hội), đền Cửa Ngòi (TT Cổ Phúc), đền Việt Thành (xã Việt Thành), đền Hóa Cuông (xã Hòa Cuông). Có 05 chùa, trong đó có 03 chùa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh gồm chùa Linh Thông, chùa Cường Thịnh và chùa Y Can với 1.600 tín đồ. Có 17 nhà thờ tại 12 xã, trong đó có 3 nhà thờ xứ gồm: nhà thờ xứ Nhân Nghĩa, nhà thờ xứ Mỹ Hưng, nhà thờ xứ Bảo Long. Có một tu viện thuộc dòng Mến thánh giá tại giáo xứ Nhân Nghĩa.

 

Thư viện ảnh

      

Thư viện Video

Lượt truy cập